Nhà công vụ là nhà được phân cho người đang làm việc công ( thường là người có chức quyền hoặc cán bộ công nhân viên chức hoặc người có nhiệm vụ đặc thù ), dùng để ở, tiếp khách hoặc các chức năng khác nhằm mục đích phục vụ việc công tương xứng với nhiệm vụ được giao để tạo điều kiện, môi trường làm việc, sinh hoạt thuận lợi, tiện ích, sang trọng tương ứng với thể diện cần phải có của chức vụ cũng như điều kiện bảo đảm an ninh, giao tiếp, giữ khoảng cách với người nước ngoài, các đồng nhiệm, bạn đồng liêu, cấp dưới, dân hoặc khách cần liên hệ trong mức độ cho phép của ngân sách, nguồn quỹ công sản cũng như quan niệm của Chính phủ hiện tại về nhu cầu của chức vụ.
Sự cần thiết
Các quan chức, viên chức của nhà nước, chính phủ, cơ quan doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội khi được giao nhiệm vụ cần có môi trường sinh hoạt, làm việc tương xứng phù hợp với nhiệm vụ được giao nhưng không phải ai cũng có điều kiện nhà ở tương xứng gần nơi nhận nhiệm vụ nên các nhà nước luôn dành ra một quỹ nhà ở tập thể hoặc cá nhân làm nhà công vụ từ nguồn quỹ công sản.
Nhà công vụ ở Việt Nam
Ở Việt Nam khái niệm nhà công vụ không được rõ ràng và không có quy định cụ thể về nhà sở hữu nhà nước và nhà công vụ, trước khi Luật nhà ở số 56/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 ban hành ngày 09 tháng 12 năm 2005 có hiệu lực ngày 01 tháng 07 năm 2006.
Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước ở Việt Nam
Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đã có từ lâu, từ thời Pháp thuộc đã có công thự dành cho công chức. Sau năm 1954 ở miền Bắc đã có rất nhiều khu nhà tập thể thuộc sở hữu nhà nước được phân cho cán bộ công nhân viên chức nhà nước và tập thể, tổ chức chính trị, xã hội nhưng ít có số liệu thống kê cụ thể từng cơ quan, địa phương.
Quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
Thành phố Hồ Chí Minh:
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có nhà sở hữu nhà nước thuộc loại nhiều nhất nước. Sau năm 1975 thành phố Hồ Chí Minh xác lập sở hữu nhà nước gần 100.000 căn nhà, xưởng. Trong số đó có khoảng 34.000 nhà ở, gồm nhà chung cư, cư xá, nhà biệt thự, nhà phố. Số còn lại là các cơ quan, nhà xưởng... và sau này được chuyển giao cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.
Năm 1992, Thủ tướng ban hành quyết định 118, chấm dứt tình trạng bao cấp nhà ở. Quyết định này cũng đưa chế độ tiền nhà ở vào tiền lương bằng các mức phụ cấp khác nhau.
Thành phố Hà Nội:
Đến năm 1994 Hà Nội có 155.128 căn nhà thuộc sở hữu nhà nước.
Về chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
Ngày 05 tháng 7 năm 1994, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 61/CP về mua bán và kinh doanh nhà ở, trong đó quy định về việc bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê. Trong quá trình triển khai thực hiện, để phù hợp với tình hình thực tế, ngày 16 tháng 4 năm 1996 Chính phủ ban hành Nghị định số 21/CP về việc sửa đổi Điều 5 và Điều 7 của Nghị định số 61/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở.
Tiếp đó, Nhà nước ban hành một số chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người mua nhà, đặc biệt là người có công với cách mạng thông qua việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, giảm tiền nhà khi mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định số 61/CP.
Theo điều 5 nghị định 61/CP thì Nhà nước thực hiện bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê phần diện tích đang được thuê để người mua nhà ở có điều kiện cải thiện chỗ ở, trừ các loại nhà ở sau đây:
Nhà ở thuộc khu vực quy hoạch xây dựng các công trình khác hoặc cải tạo thành nhà ở mới.
Nhà chuyên dùng đang bố trí tạm làm nhà ở (khách sạn, nhà nghỉ, trường học, bệnh viện, trụ sở làm việc, kho tàng và các loại nhà chuyên dùng khác);
Biệt thự các loại có kế hoạch dùng làm công thự hoặc dùng vào các mục đích khác.
Thực tế triển khai bán nhà thuộc sở hữu nhà nước và sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước ở Việt Nam
Việc triển khai chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê trong gần 12 năm từ 1994 đến 2006 theo Chính phủ Việt Nam đã góp phần cải thiện rõ rệt điều kiện về chỗ ở cho hàng vạn hộ gia đình. Nhưng việc bán nhà ở còn rất chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra của Chính phủ, bình quân đạt khoảng 45% trong đó thành phố Hà Nội đã bán 82.000 căn, thành phố Hồ Chí Minh đã bán 54.963 căn, thành phố Hải Phòng đã bán 10.000 căn, thành phố Đà Nẵng đã bán 3.530 căn….
Những địa phương có nhiều nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đều chưa hoàn thành việc bán nhà ở theo thời hạn mà Chính phủ đã quy định tại Nghị quyết số 06/2004/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2004 về một số giải pháp phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.
Thực tế các địa phương đã đề nghị bán cả công thự, biệt thự kể cả loại đặc biệt sai với điều 5 của nghị định 61/CP. Chỉ riêng 4 quận (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa) Hà Nội đã có tới 379 biệt thự bị "đề nghị bán", trong đó có 42 biệt thự "đề nghị bán đợt đầu". Trong đó có biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa không những không phải là "nhà gạch 2 tầng", mà còn là 1 trong số 198 biệt thự công tại Hà Nội có giá trị đặc biệt.
Tình hình thực hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh:
Năm 1994, Chính phủ ban hành nghị định 61/CP, trong đó cho phép bán hóa giá nhà sở hữu nhà nước đối với người đang thuê.
Đến năm 2001, Thủ tướng tiếp tục ban hành quyết định 80 về việc xử lý, sắp xếp nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Quyết định này cho phép hóa giá nhà ở đã bố trí cho cán bộ, công nhân viên từ trước năm 1995, nếu phù hợp với qui hoạch của Thành phố Hồ Chí Minh.
Kể từ năm 1994 khi nghị định 61/CP có hiệu lực, cán bộ không được thuê nhà sở hữu nhà nước. Nhưng do Thành phố Hồ Chí Minh chưa có quy định về nhà công vụ, nhiều người thuộc diện chính sách chưa có nhà ở nên Ủy ban nhân dân thành phố có xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể và phải thông qua Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.
Đến năm 2006, trong việc bán nhà sở hữu nhà nước thực hiện theo nghị định 61/CP thì giá đất đang được tính theo quyết định 05 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành năm 1995 (mức giá này tối đa chỉ bằng 20% giá thị trường). Từ năm 2005, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành giá đất mới. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ bán nhà sở hữu nhà nước, Ủy ban nhân dân thành phố đã kiến nghị cho áp dụng giá theo quyết định 05 đến cuối năm 2006 và được Chính phủ chấp thuận.
Theo số liệu từ Sở Xây dựng thành phố, thành phố Hồ Chí Minh đã hóa giá khoảng 24.000 căn nhà sở hữu nhà nước. Hơn 9.000 căn còn lại đang tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, xem xét hóa giá. Theo quy định của Chính phủ, cuối năm 2006 phải hóa giá xong nhà sở hữu nhà nước. Nếu thực hiện theo quy định này thì thành phố Hồ Chí Minh không còn nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Tình hình thực hiện ở Thành phố Hà Nội:
Sau 12 năm thực hiện công tác bán nhà theo Nghị định 61/CP, tới ngày 08 tháng 09 năm 2006, Hà Nội mới bán được 81.298 căn hộ, còn lại 73.830 căn hộ - nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước.
Theo bà Nguyễn Hồng Ánh, Trưởng ban 61/CP, ban chuyên trách thẩm định và duyệt hồ sơ xin mua nhà theo Nghị định 61/CP (Sở Tài nguyên Môi trường - Nhà đất Hà Nội) từ đầu năm 2006 đến đầu tháng 9 năm 2006 Ban 61/CP mới bán được khoảng 6.000 căn hộ và hiện đang nắm khoảng 21.500 hồ sơ xin mua nhà nhưng mới duyệt được khoảng 11.000 bộ. Trong số này, Ban đã mời tất cả lên để hoàn tất việc mua nhà song chỉ có 7.000 trường hợp có mặt trao đổi và đồng ý mua. Số còn lại đều tìm lý do từ chối hoàn tất việc mua nhà.
Như vậy, khối lượng nhà 61/CP cần giải quyết của thành phố còn rất lớn khoảng 20.000 căn hộ chưa nộp hồ sơ xin mua (có thể là không có ý định mua) và khoảng 14.000 trường hợp đã nộp hồ sơ nhưng chưa hoàn tất việc mua nhà. Theo kế hoạch, đến cuối năm, Công ty Quản lý phát triển nhà thành phố phải bán 40.000 căn hộ nữa.
Để đẩy nhanh tốc độ bán nhà, Ban đã chỉ đạo tất cả các đầu mối bán nhà theo Nghị định 61/CP phải giải thích rõ về chính sách và giá ngay khi nhận hồ sơ của người dân. Trước đây, chỉ bán diện tích trong hợp đồng nên không hấp dẫn được người mua. Nên thành phố đã cho bán cả diện tích liền kề đã sử dụng ổn định, không xảy ra tranh chấp. Các hộ mua nhà chỉ cần có xác nhận của ủy ban nhân dân phường, xã.
Thực tế ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đều tồn tại tình trạng khâu phối hợp của các ban ngành chưa chặt chẽ, nhiều nơi thủ tục hành chính còn phức tạp, việc chuyển giao nhà từ các cơ quan tự quản sang cơ quan quản lý nhà đất của địa phương còn bất cập, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua còn chậm. Điều đó khiến nhiều người dân nản lòng khi quyết định mua nhà theo Nghị định 61/CP.
Biện pháp đẩy nhanh tiến độ bán nhà
Nguyên nhân của tình hình không thực hiện đúng kế hoạch bán nhà sở hữu nhà nước theo Chính phủ là do việc chuyển giao nhà ở từ các cơ quan tự quản sang cơ quan quản lý nhà đất của địa phương còn chậm; sự phối hợp của các ban, ngành chưa chặt chẽ; nhiều nơi thủ tục hành chính còn phức tạp; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người mua còn chậm; một số quy định về thu tiền nhà khi bán nhà cấp IV tự quản đã xây dựng lại, phương thức trả dần tiền mua nhà ở quy ra vàng chưa phù hợp với thực tế.
Để đẩy nhanh tiến độ bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê nhằm giải quyết những bức xúc cho người mua nhà, tạo điều kiện thực hiện các quy định của Luật Nhà ở đã được Quốc hội Việt Nam thông qua, góp phần chấn chỉnh công tác quản lý đối với quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2006, Chính phủ Việt Nam thống nhất một số giải pháp theo nghị quyết số 23/2006/NQ-CP ngày 07 tháng 09 năm 2006:
Các cơ quan, đơn vị đang quản lý quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có trách nhiệm chuyển giao toàn bộ quỹ nhà ở về Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận nguyên trạng để triển khai công tác quản lý theo quy định thống nhất về quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước về việc bán nhà ở cho người đang thuê trên địa bàn. Việc chuyển giao phải hoàn thành trước ngày 30 tháng 12 năm 2006.
Đối với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước mà không xác định được cơ quan, đơn vị quản lý thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiến hành thủ tục quản lý mà không cần có văn bản thỏa thuận của cơ quan, đơn vị quản lý.
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện nghiêm chỉnh việc chuyển giao nhà ở tự quản để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý. Nếu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị không thực hiện chuyển giao thì Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các thiệt hại do nhà ở bị hư hỏng hoặc do buông lỏng quản lý gây ra thất thoát, tiêu cực.
Về thu tiền sử dụng đất, tiền nhà khi bán nhà ở cho người đang thuê:
Giá đất khi bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê được thực hiện theo giá mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã áp dụng tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2004. Mức thu tiền sử dụng đất khi bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thực hiện theo quy định tại Nghị định số 61/CP và Nghị định số 21/CP;
Đối với phần diện tích đất mở rộng liền kề với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước nếu phù hợp với quy hoạch xây dựng thì người mua nhà phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích mở rộng đó theo quy định tại Nghị định số 61/CP;
Nhà ở công vụ
Theo Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 6/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở thì Nhà ở công vụ là nhà ở do Nhà nước đầu tư xây dựng cho một số đối tượng quy định tại Điều 60 của Luật Nhà ở thuê trong thời gian đảm nhiệm công tác theo cơ chế do Nhà nước quy định. Các đối tượng được thuê nhà ở công vụ theo luật là:
Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được điều động, luân chuyển theo yêu cầu công tác mà chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại địa phương nơi đến công tác.
Sĩ quan chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, phục vụ theo yêu cầu quốc phòng, an ninh.
Cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc diện ở nhà ở công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét